Tham vọng và nguyên nhân đưa Đế quốc Áo-Hung tham chiến Lịch_sử_đế_quốc_Áo-Hung_trong_thế_chiến_thứ_nhất

Đế quốc Áo-Hung có tham vọng lớn là làm chủ khu vực Balkan mặc dù nền kinh tế hết sức lạc hậu, mâu thuẫn dân tộc vô cùng phức tạp. Chính sách bành trướng Balkan của Đế quốc Áo-Hung vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của Đế quốc Nga do đó Áo-Hung thực hiện liên minh quân sự với Đế quốc Đức để chống lại Nga. Năm 1909, Đế quốc Áo-Hung thôn tính Bosnia và Herzegovina, làm cho sự đối địch giữa Áo-Hung và Serbia ngày càng gay gắt. Ngoài ra, Đế quốc Áo-Hung còn muốn thôn tính Serbia để đoạt lấy con đường ra các biển Adriatic, biển Agean, biến Đế quốc Áo-Hung từ đế quốc nhị nguyên trở thành đế quốc tam nguyên (tức từ một đế quốc kết hợp giữa ÁoHungary trở thành một đế quốc kết hợp giữa Áo, Hungary và Serbia).[3]

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia cũng như của Chiến tranh thế giới thứ nhất là vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand tại Sarajevo, Bosna. Ngày 28 tháng 6 năm 1914, khi thái tử Franz Ferdinan tham gia buổi diễn tập của quân đội Áo-Hung tại Sarajevo thì bị một số thành viên của Tổ chức Bàn tay đen thực hiện kế hoạch ám sát. Sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Sau khi vụ ám sát xảy ra, ý đồ gây chiến của Áo-Hung đối với Serbia đã được đế quốc Đức ủng hộ và hoàng đế Wilhelm II của Đức đã tuyên bố đây là cơ hội nghìn năm có một để thôn tính Serbia.[4] Ngày 29 tháng 6, tổng tham mưu trưởng lục quân Áo-Hung tuyên bố sẽ tổng động viên quân sự để tấn công Serbia.[5] Trong khi đó, Đế quốc Nga ủng hộ Serbia và hứa sẽ ngăn chặn không cho Đế quốc Áo-Hung thôn tính Serbia để bảo vệ quyền lợi của Nga ở vùng Balkan.[5]

Áo và Đức sau khi đàm phán bí mật đã xác định vấn đề chiến tranh. Ngày 23 tháng 7, Đế quốc Áo-Hung gửi tối hậu thư cho Serbia với những điều kiện không chấp nhận được, vi phạm chủ quyền Serbia và đòi nước này trả lời sau 48 giờ.[1][6] Tối 25 tháng 7, Serbia gửi tối hậu thư đến đại sứ Áo-Hung quyết tâm hòa giải cuộc xung đột nhưng Áo-Hung vẫn không chấp thuận và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Serbia.[6] Ngày 28 tháng 7, Đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia và ngay khuya hôm đó, quân Áo-Hung pháo kích vào Beograd.[6] Đế quốc Áo-Hung chính thức tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất.